Ức chế có điều kiện là ức chế được hình thành trong trong quá trình phát
triển cá thể, cần phải luyện tập mới có được. Ức chế trực tiếp phát sinh trong
cung phản xạ có điều kiện cho nên gọi là ức chế có điều kiện hay ức chế trong.
Phụ thuộc vào các điều kiện phát sinh có thể
phân ức chế có điều kiện thành các dạng sau đây: ức chế dập tắt, ức chế phân biệt,
ức chế có điều kiện, ức chế trì hoãn.
1). Ức chế dập tắt
Ức chế dập tắt là dạng ức chế xuất hiện khi tín hiệu có điều kiện không
được củng cố bằng kích thích có diều kiện. Ví dụ, nếu phát tín hiệu có điều kiện
lên chó đã được thành lập phản xạ tiết nước bọt có điều kiện bền vững nhiều lần
mà không củng cố, nghĩa là không cho chó ăn thì mỗi lần phát tín hiệu sẽ làm
cho chó tiết nước bọt ít hơn, thời gian tiềm tàng của phản ứng tiết nước bọt
tăng dần và cuối cùng phản ứng tiết nước bọt mất hẳn. Sự vắng mặt tác nhân củng cố sớm hay muộn nhất
định sẽ dẫn đến tình trạng là tín hiệu có điều kiện không còn có ảnh hưởng đến
hoạt động tiết nước bọt nữa, nghĩa là phản xạ có điều kiện bị dập tắt. Tuy
nhiên, ức chế không làm huỷ hoại mối liên hệ thần kinh tạm thời vì nếu sau khi
thành lập ức chế dập tắt ta để cho chó nghỉ ngơi thì qua khoảng 20 phút tác dụng
của tín hiệu lại làm xuất hiện phản xạ tiết nước bọt có điều kiện trở lại. Ức
chế dập tắt phát triển càng nhanh nếu phản xạ có điều kiện chưa được bền vững
và ngược lại.
Ức chế dập tắt là một hiện tượng phổ biến và có ý nghĩa sinh học rất lớn
trong đời sống của động vật và người. Ức chế dập tắt bảo đảm cho các phản xạ có
điều kiện luôn luôn phù hợp với điều kiện sống thường xuyên biến đổi của môi
trường. Nhờ ức chế dập tắt mà các phản xạ có điều kiện cũ không phù hợp với điều
kiện mới sẽ bị dập tắt đi, nhường chổ cho các phản xạ mới, thích nghi với điều
kiện mới hình thành. Chính nhờ ức chế dập tắt mà con người có thể bỏ qua được
những thói quen, cách sinh hoạt, quan niệm đã lỗi thời để tiếp thu các quan niệm
phù hợp hơn.
2). Ức chế phân biệt
Ức chế phân biệt là dạng ức chế phát sinh khi ta cho kích thích có điều
kiện tác dụng xen kẽ với một tín hiệu gần giống nó, với điều kiện là kích thích
có điều kiện luôn được củng cố, còn tín hiệu gần giống nó thì không được củng cố
bằng kích thích không điều kiện. Ví dụ, ta dùng máy gõ nhịp 120 lần/phút làm
tín hiệu có điều kiện và cho chó ăn để thành lập phản xạ tiết nước bọt có điều
kiện. Sau khi phản xạ có điều kiện đã được bền vững, ta cho máy gõ nhịp 120 lần/phút
tác dụng xen kẽ với máy gõ nhịp 100 lần/phút, trong đó máy gõ nhịp 120 lần/phút kèm theo thức ăn, còn máy gõ nhịp 100 lần/phút thì không
cho ăn. Lúc đầu chó cũng tiết nước bọt với máy gõ nhịp 100 lần/phút. Sau đó chó
chỉ có phản xạ tiết nước bọt khi cho tác dụng của máy gõ nhịp 120 lần/phút, còn
máy gõ nhịp 100 lần/phút không gây tiết nước bọt nữa.
Ức chế phân biệt phát triển dễ dàng khi sự khác biệt giữa tín hiệu có điều
kiện và tín hiệu giống nó càng lớn và ngược lại.
Ức chế phân biệt có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người và động
vật. Có thể thấy được điều này khi quan sát tập tính của chó con và chó lớn đã
được thành lập ức chế phân biệt. Mặc dù được chủ nuôi nấng chăm sóc, nhưng vì
chưa có ức chế phân biệt nên chó con vẫn chạy theo người lạ. Ngược lại chó lớn
có thể phân biệt giọng nói của người chủ của nó với người khác, không chạy theo
người lạ, phân biệt được giọng nói dịu dàng để chạy đến với chủ và giọng nói gắt
gỏng để tránh xa.
3). Ức chế có điều kiện
Ức chế có điều kiện là dạng ức chế xuất hiện khi ta không củng cố phức hợp
tín hiệu + một kích thích phụ khác, trong khi chỉ riêng một mình tín hiệu (vẫn
được củng cố) thì vẫn gây ra phản xạ có điều kiện. Kích thích phụ trở thành tác
nhân gây ức chế có điều kiện. Ví dụ, ta thành lập phản xạ tiết nước bọt có điều
kiện với tín hiệu có điều kiện là tiếng chuông reo. Sau khi phản xạ có điều kiện
đã được bền vững, tức là khi cho chuông reo chó tiết nước bọt, ta kết hợp tiếng
chuông reo + kích thích phụ là ánh sáng đèn mà không cho chó ăn. Lặp lại một số
lần như vậy thì khi chuông reo mà có ánh sáng đèn thì chó không tiết nước bọt.
Ánh sáng đèn là tác nhân gây ức chế có điều kiện.
Ức chế có điều kiện làm cho phản xạ có điều kiện càng được tinh vi,
chính xác, hiệu quả hơn và có ý nghĩa thích nghi sinh học rất lớn trong đời sống
của động vật. Ví dụ, con cáo núp trong bụi cây khi nghe có tiếng động lạ thì đề
phòng ngay và định chạy trốn. Nhưng luồng gió thoảng qua mang theo mùi con nai
- đối tượng không nguy hiểm đã làm cho con cáo yên tâm nằm ngủ lại. Mùi con nai
chính là tác nhân phụ đã kìm hãm phản xạ tự vệ có điều kiện chạy trốn của con
cáo.
4). Ức chế trì hoãn
Ức chế trì hoãn là dạng ức chế xuất hiện khi ta không củng cố phần đầu
tác dụng của tín hiệu có điều kiện. Ở phần đầu không được củng cố đó tín hiệu
có điều kiện dần dần đã mất đi ý nghĩa tín hiệu. Biểu hiện của ức chế này là phản
xạ đối với tín hiệu có điều kiện bị chậm lại.Ví dụ, trước đây ta cho tín hiệu
có điều kiện là ánh sáng tác dụng và sau đó 2-5 giây ta cho chó ăn. Sau một số
lần lặp đi lặp lại như vậy, phản xạ tiết nước bọt ở chó xuất hiện ngay sau khi
ánh sáng được phát ra. Bây giờ ta bật ánh sáng lên và không cho chó ăn ngay, mà
để sau 30 giây mới cho chó ăn. Lúc đầu phản xạ tiết nước bọt có điều kiện ở chó
xuất hiện ngay sau khi có ánh sáng, nhưng dần dần về sau phản xạ tiết nước bọt ở
chó chỉ xuất hiện vào thời điểm sắp cho chó ăn, nghĩa là sau khi bật đèn lên khoảng
28-29 giây.
Ức chế trì hoãn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người và động
vật. Nhờ có ức chế trì hoãn con người và động vật thực hiện các phản xạ xảy ra
đúng lúc, khớp với thời điểm tác động của các kích thích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét