Tiêu hoá ở ruột non
DOWNLOAD:
Ở ruột non, thức ăn được nhào trộn với dịch tụy, mật và dịch ruột. Sự
tiêu hoá thức ăn bắt đầu ở miệng và dạ dày sẽ được hoàn tất trong lòng ruột và
trong các tế bào niêm mạc ruột non. Sau đó các sản phẩm tiêu hoá được hấp thu
cùng với các vitamin, các chất điện giải và nước.
I. Cấu tạo
Ruột non gồm tá tràng, hỗng tràng
và hồi tràng. Ở người sống, ruột non dài 280cm, trong đó tá tràng dài 22cm, hỗng
tràng và hồi tràng dài 258cm (hỗng tràng chiếm 2/5). Đoạn đầu của tá tràng gọi
là hành tá tràng.
Niêm mạc ruột non chứa những hạch
bạch huyết đơn độc, nhưng ở hồi tràng , các hạch bạch huyết tụ tập lại thành từng
đám gọi là các màng Peyer. Trên toàn bộ ruột non có nhiều tuyến ruột hình ống,
gọi là hõm Lieberkuhn (hình 5.10). Riêng ở tá tràng còn có thêm những tuyến tá
tràng hình ống nang cuộn lại gọi là tuyến Brunner. Thành
ruột non được cấu tạo bởi 2 lớp cơ trơn: cơ dọc ở ngoài và cơ vòng ở
trong. Lớp trong cùng là niêm mạc ruột. Niêm mạc ruột non có nhiều nếp gấp hình
van. Bản thân niêm mạc được bao phủ bằng những nhung mao (mao trạng). Mỗi mm2
niêm mạc có khoảng 20 đến 40 nhung mao.
Mỗi nhung mao là một chỗ lồi lên
hình ngón tay, dài khoảng 0,5 - 1mm, được bao phủ bởi một lớp tế bào biểu mô
hình cột. Trong nhung mao có một mạng lưới mao mạch và mạch bạch huyết. Bờ tự
do của các tế bào biểu mô của nhung mao lại chia thành những vi nhung mao làm
tăng diện tích hấp thu của ruột non vào khoảng 250 đến 300 m2. Mặt ngoài
màng tế bào biểu mô chứa nhiều men tiêu hoá như dísaccharidase, peptidase, và các
men phân huỷ acid nucleic. Các tế bào ruột sẽ bị rơi vào lòng ruột và nhanh
chóng được thay thế. Tốc độ luân chuyển của tế bào ruột là 1 - 3 ngày. Sự
"bài tiết " prôtêin do tế bào rơi vào lòng ruột khá lớn, vào khoảng
30 g/ ngày.
II.Cử động cơ học của ruột non
(hình 5.11)
Vị trấp từ dạ dày sang tá tràng
là bắt đầu chịu ảnh hưởng của cử động ruột non, có tác dụng chuyển dần thức ăn
xuống ruột già. Thời gian thức ăn chuyển vận qua ruột non trung bình 6 giờ. Vận
động của ruột gồm 3 loại cử động:
1). Cử động quả lắc
Là những cử động co rút của những sợi cơ dọc của
ruột có tác dụng làm cho các đoạn ruột trườn lên nhanh tránh tình trạng cố định
và ứ đọng thức ăn lại một chỗ.
2). Cử động co vòng từng đoạn
Cử động co cơ vòng ruột từng đợt và từng đoạn
tại chỗ, cứ 10 giây/1 lần. Cử động này có tác dụng nhào trộn thức ăn cho nó thấm
đều các dịch tiêu hoá và giúp cho quá trình hấp thu tiến hành tốt.
Thần kinh nội tại của ruột có tác dụng chi phối
nhu động thường xuyên. Điều hoà cử động này là 2 tác dụng của 2 loại sợi thần
kinh giao cảm và phó giao cảm. Sợi giao cảm: ức chế nhu động. Phó giao cảm:
Tăng nhu động.
•
Khi cơ thể bị ngạt CO2 trong máu tăng lên làm nhu động ruột tăng (bị ngạt
vì thắt cổ tăng nhu động, phân ra ngoài).
•
Thức ăn nhiều sợi cellulose kích thích niêm mạc ruột cũng làm tăng nhu động
3).Cử động nhu động Cử động nhu động là
loại cử động phối hợp cả hai loại cơ dọc và cơ vòng và có sự can thiệp rõ rệt của
hệ thần kinh, có hướng nhất định từ ruột non dến ruột già, làm cho thức ăn tiến
xuống mỗi phút độ 3 cm. Cử động nhu động là loại cử động cần sự toàn vẹn của
búi Auerbach và những chất hoá học trung gian như acetylcholin.
3. Dịch tuỵ
Do các tế bào tuyến ngoại tiết của tuyến tuỵ tiết ra (hình5.9 )dưới tác dụng của 2 cơ chế thần
kinh và thể dịch.
Sau khi ăn 5 phút, tiết dịch tuỵ kéo dài 6 -
14 giờ, lượng dịch tuỵ và lượng men, thời gian tiết tuỳ thức ăn. Ăn tinh bột dịch tuỵ tiết nhiều vào giờ
thứ nhất, ăn thịt tiết nhiều vào giờ thứ
hai. Mỗi ngày dịch tuỵ được tiết khoảng 800 ml.
a. Cơ chế thần kinh gây bài tiết dịch tuỵ:
Thần kinh X chỉ huy tiết dịch tuỵ, ngoài dây
X, Pavlov nhận thấy trong dây tạng (dây giao cảm) cũng có những sợi gây tiết dịch
tuỵ. Các chất hoá học cường phó giao cảm như urocholin, pilocarpin tăng tiết dịch
tuỵ Các chất hoá học nhược phó giao cảm như atropin ức chế tiết dịch tuỵ.
Khi người và vật nhìn thấy thức ăn thì ngoài dịch
vị tâm lý còn có dịch tuỵ tâm lý cũng được chế tiết, nhưng chỉ trong mấy phút.
Dịch tuỵ tâm lý chứa nhiều men, ít nước và ít muối bicarbonate.
b. Cơ chế thể dịch gây bài tiết dịch tuỵ:
Bayliss và Starling làm thí nghiệm
cắt đứt tất cả các dây thần kinh của tuỵ và buộc thắt môn vị không cho vị trấp
xuống tá tràng, dịch tuỵ liền tiết ra. Nếu buộc thắt các mạch máu của ruột và
tuỵ thì bơm acid vào tá tràng không gây tiết dịch tuỵ.
Kết luận:
Niêm mạc tá tràng dưới tác dụng của
acid đã tiết ra một chất hoá học trung gian, chất này theo đường máu đến tuyến
tuỵ gây tiết dịch tuỵ. Chất hoá học trung gian này được đặt tên là
Secretin.(Chính do phát hiện này đã biết được cơ chế của một tác dụng mới
"một chất hoá học trung gian" kích thích hoạt động một tuyến, lần đầu
tiên được gọi là kích thích tố).
Nói chung 2 cơ chế thần kinh và thể dịch
phối hợp tác dụng gây tiết dịch tụy thích hợp với các giai đoạn tiêu hoá. Trước
tiên là dịch tụy tâm lý tiết ra do tác dụng của dây thần kinh X, sau đó khi vị
trấp chuyển từ dạ dày sang tá tràng, chất HCl trong vị trấp kích thích niêm mạc
tá tràng gây tiết secretin, secretin theo máu đến gây tiết dịch tuỵ.
Dịch tuỵ sẽ trung hoà vị trấp và
secretin sẽ ngừng tiết, cho đến khi một đợt vị trấp khác từ dạ dày xuống gây tiết
secretin trở lại.
- Nhóm enzym phân giải protid gồm 3 enzym chính:
+ Trypsin: Được tiết dưới dạng tiền men trypsinogen, khi gặp men
enterokinase của ruột biến thành trypsin. Trypsin hoạt động ở pH tối thuận bằng
8, phân giải những liên kết peptide(mà phần -CO- thuộc về những acid amin kiềm)
do đó phân giải những prôtêin của thức ăn đến giai đoạn polypeptide.
+ Chimotrypsin: Được bài tiết dưới dạng Chimotrypsinogen
và được hoạt hoá bởi trypsin, phân giải
những liên kết peptide (mà phần -CO- thuộc về những acid amin có nhân thơm).
Do đó cũng không phân giải prôtêin đến giai
đoạn cuối cùng. Nhưng cả pepsin, trypsin và kymotrypsin phối hợp với
nhau thì do cắt những liên kết peptide khác nhau có thể phân giải đến tận giai
đoạn các acid amin riêng lẻ.
+ Carboxypeptidase: Được bài tiết dưới dạng
procarboxypeptidase và được hoạt hoá bởi trypsin. Hoạt động trong môi trường kiềm, cắt rời acid
amin đứng ở đầu
C của chuỗi peptide cho những acid amin riêng lẻ.
- Nhóm enzym phân giải lipid: tiêu mỡ rất mạnh
+ Lipase dịch tuỵ: pH tối thuận =
8, phân giải các liên kết ester của các acid béo với các glycerol do đó phân giải
những triglycerid của lipid đã được nhũ tương hoá cho acid béo, diglycerid,
monoglycerid và glycerol (thuỷ phân mỡ thành một hỗn hợp glycerid và acid béo
(glycerid đơn giản là monoglycerid)).
+ Phospholipase: Cắt những liên kết ester giữa
glycerol với H3PO4 , do đó phân giải phospholipid
của thức ăn, để lại những diglycerid chịu tác dụng tiếp tục của lipase.
- Nhóm phân giải glucid:
+ Amylase dịch tuỵ: Cắt những liên kết 1-4
glycoside, do đó phân giải tinh bột cả sống lẫn chín thành maltose.
+ Mantase: Phân giải maltose thành glucose.
4. Mật-Sự tạo thành và vai trò
trong quá trình tiêu hoá
Gan bài tiết mật một cách liên tục, tập trung ở
túi mật. Từ túi mật được chuyển vào tá tràng từng đợt tuỳ theo bữa ăn. Khi thức ăn có mỡ chạm vào niêm mạc tá tràng,
túi mật co bóp tống mật ra và cứ thế co bóp liên tục 2 đến 3 giờ. Dây X và
trong tinh chất của niêm mạc ruột non có chất gây co bóp túi mật là Cholecystokinin,
chất này được niêm mạc tá tràng tiết ra khi thức ăn có mỡ chạm vào và được chuyển
sang máu đến kích thích túi mật.
Thành phần: Là dịch kiềm, hơi quánh, pH= 7-
7,7. Thành phần chính gồm: muối mật, cholesterol (chỉ là chất bài xuất), sắc tố
mật (Hb của hồng cầu, dạng đào thải làm phân có màu vàng), nước (89%)
Muối mật là thành phần duy nhất có tác dụng tiêu hoá: taurocholatnatri (acid
taurocholic), glycocholatnatri (acid glycocholic).
Có 3 tác dụng chính:
−
Hoạt hoá Lipase trong ruột, làm tăng khả năng tiêu hoá mỡ.
−
Giảm sức căng bề mặt của mỡ nhũ tương trong ruột làm cho các hạt cầu mỡ
được ổn định ở những kích thước rất nhỏ làm tăng diện tiếp xúc với men lipase.
−
Tăng cường cử động ruột, khi vào ruột tăng cường tiết dịch, nếu sự bài
tiết mật rối loạn sẽ dẫn đến rối loạn hấp thu mỡ.
Làm hòa tan và hấp thu một số chất hòa tan trong lipid, vì thế trong bệnh
gan có thể thấy biểu hiện thiếu vitamin (sinh tố tan trong dầu, cholesterol,
acid stearic, là những chất không tan trong nước, phản ứng với muối mật thành hợp
chất gọi là acid choleic hòa tan trong nước. Đó là tác dụng giúp hòa tan của muối
mật.)
5. Dịch ruột
a. Sự bài tiết dịch ruột
Khác với các dịch tiêu hóa đã nói
trên, phần lỏng của các dịch ruột do các tuyến ruột bài tiết nhưng enzym tiêu
hóa lại được tổng hợp ở các tế bào niêm mạc ruột, gắn với phần riềm bàn chải và
chỉ được giải phóng khi tế bào niêm mạc ruột bong ra và tan vỡ. Dịch ruột có thể
tiết ra do kích thích tại chỗ và do ảnh hưởng của hệ thần kinh thể dịch: tiêm
secretin hoặc tinh chất niêm mạc ruột vào máu sẽ gây tiết dịch ruột. Dây X: gây
tiết dịch ruột; Dây giao cảm: ức chế.
Tuy vậy, tác dụng này không rõ rệt lắm.
b. Thành phần và tác dụng của dịch ruột
Thành phần, chức năng chính của dịch ruột là
những nhóm enzym tiêu hóa:
Nhóm enzym phân giải prôtêin:
−
Aminopeptidase: Hoạt động trong
môi trường kiềm, pH tối thuận =8, cắt rời acid amin đứng ở đầu N của những chuỗi
peptid, cho những acid amin riêng lẻ (tác dụng cắt acid amin có mang NH2 tự do ở
đầu mạch các polypeptid).
−
Iminopeptidase: Cắt những acid imin (prolin, oxyprolin) khỏi chuỗi
peptid.
−
Dipeptidase: Phân giải các dipeptid cho các acid amin.
−
Carboxypeptidase: căt chuỗi polypeptid bắt đầu từ acid amin tự do ở cuối
C của mạch polypeptid.
Nhóm phân giải lipid:
Phân giải glycerid phức tạp thành
glycerid đơn giản, acid béo và glycerol.
Lipase, phospholipase giống dịch tụy.
Nhóm phân giải glucid:
Amylase, mantase giống dịch tụy. Saccharase:
Phân giải saccharose cho glucose và fructose. Lactase: Phân giải lactose cho
glucose và galactose.
Enterokinase: Hoạt hóa trypsinogen.
Phosphatase kiềm: Phân giải các liên kết phospho, kể cả vô cơ lẫn hữu
cơ. Có tác dụng trong quá trình hấp thu đường và mỡ.
6 . Kết quả tiêu hóa ở ruột non
Chất dinh dưỡng xuống tá tràng, có tính acid ,
bắt đầu được trung hòa do các dịch kiềm của dịch tụy, mật, dịch ruột nhưng vẫn
còn hơi acid.
−
Protid: Đến ruột non các chất prôtêin của dưỡng trấp chịu tác dụng của
trypsin và chimotrypsin, peptidase thành olygopeptid, các olygopeptid gặp
aminpeptidase và carboxypeptidase sẽ biến thành acid amin.
−
Glucid: Các chất đường: maltose, saccharose, lactose và một phần tinh bột
chưa tiêu đều được thủy phân thành các monosaccarid: glucose, fructose,
galactose.
−
Lipid: Chịu tác dụng của lipase dịch tụy, dịch ruột, muối mật sẽ thành
glycerin và acid béo.
−
Các acid nucleic gặp các men nuclease, nucleotidase sẽ thành hỗn hợp
nucleotid, nucleosid, kiềm pyrimidin, purin, acid phosphoric, đường pentose.
−
Một số chất không tiêu hoá được sẽ chuyển qua ruột già để thải ra ngoài
như cellulose bị thuỷ phân thành glucose bởi các vi khuẩn Bacillus, cellulosae
dissolvens (vi khuẩn phân giải Cellulose), rất quan trọng đối với động vật ăn cỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét