Hiện nay các nhà nghiên cứu cho rằng sự hình
thành tiếng nói ở người trong quá trình phát triển cá thể giống như sự hình
thành các phản xạ có điều kiện. Tiếng nói không phải là bẩm sinh, tiếng nói có
được là do trẻ tiếp xúc và học tập được ở người lớn. Chứng minh cho nhận định
này là các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi hay bị lạc trong rừng được chó sói nuôi
dưỡng hoàn toàn không biết nói và không hiểu gì về xã hội loài người.
Các phản xạ hình thành tiếng nói bắt đầu xuất
hiện ở trẻ em vào những tháng cuối của năm đầu tiên sau khi sinh. Trong thời
gian này nhờ tiếp xúc với người lớn mà trẻ em nhận được phức hợp tiếng nói với
một kích thích cụ thể nào đó hay một phức hợp nhiều kích thích cụ thể.
Ví dụ,
người lớn bảo em bé “ông nội”, “bà nội”, đồng thời chỉ vào ông và bà của em bé.
Lúc đầu vai trò của tiếng nói chưa có tác dụng như một kích thích độc lập, mà
chỉ có tác dụng khi được đi cùng một tác nhân cụ thể nào đó. Tiếng nói chỉ có
tác dụng phối hợp với các kích thích cảm giác - vận động (vị trí của cơ thể trong không gian), với
kích thích thị giác (hoàn cảnh, hình dạng), với kích thích thính giác (âm thanh
và giọng nói). Vì vậy, nếu thay đổi một trong các yếu tố của phức hợp kích
thích thì tiếng nói sẽ không gây ra phản ứng ở em bé như trước nữa. nhờ sự lặp
đi, lặp lại giữa tiếng nói với các kích thích cụ thể và các hoàn cảnh khác
nhau, tiếng nói dần dần sẽ chiếm ưu thế, còn các kích thích cụ thể sẽ giảm dần
ý nghĩa của chúng. Lúc này ta hỏi “ông đâu”, “bà đâu”, dù không có ông, bà ở đó
và hỏi ở bất cứ chổ nào em bé cũng hiểu được câu hỏi và trả lời.
Như vậy, từ lúc chỉ là một thành phần chưa có
ý nghĩa quan trọng trong phức hợp kích thích (tiếng nói + các kích thích cụ thể),
tiếng nói đã trở thành tín hiệu thay thế được cho toàn bộ phức hợp kích thích.
Tiếng nói đã trở thành tín hiệu có điều kiện độc lập, có khả năng thay thế cho
cả hệ thống tín hiệu cụ thể. Quá trình chuyển tiếng nói thành kích thích độc lập
và giải phóng nó khỏi các yếu tố đồng hành diễn ra khoảng cuối năm đầu, khi đứa
trẻ sắp tròn một tuổi.
Cơ chế chuyển tiếng nói thành kích thích độc lập
liên quan với sự phối hợp tiếng nói với các kích thích cụ thể. Trong quá trình
phối hợp, tiếng nói thường được cố định, còn các thành phần khác thì biến động,
cho nên hưng phấn do tiếng nói gây ra dần dần trở nên mạnh hơn, tập trung hơn
so với hưng phấn do các kích thích cụ thể gây ra. Nhờ vậy mà tiếng nói bắt đầu
gây ảnh hưởng theo kiểu cảm ứng âm tính đối với các thành phần khác trong phức
hợp kích thích. Ảnh hưởng của tiếng nói sẽ tăng dần và cuối cùng làm mất tác dụng
của các thành phần khác trong phức hợp kích thích.
Trong quá trình chuyển tiếng nói thành tín hiệu độc lập, thành tín hiệu
của các tín hiệu cụ thể các cơ quan phân tích cảm giác (thính giác, thị giác,
xúc giác) và các cơ quan phân tích vận động đều có vai trò rất quan trọng. Do
đó, các trẻ em bị khiếm khuyết chức năng của các cơ quan phân tích, nhất là chức
năng của cơ quan phân tích thính giác sẽ rất khó khăn trong việc hình thành tiếng
nói.
Sự hình thành tiếng nói còn liên quan với sự
hoàn thiện chức năng của các vùng vỏ não, đó là vùng nói (vùng Broca), vùng
nghe hiểu tiếng nói (vùng Wernicke), vùng đọc hiểu chữ gyrus angular.
Các vùng liên quan với tiếng nói phát triển chức năng rất nhanh trong thời
gian từ 1 đến 5 tuổi, có lẽ do có quá trình in vết của tiếng nói trong các cấu
trúc nói trên. Nhờ vậy, mà đến 5 tuổi trẻ em đã nói thạo được tiếng mẹ đẻ.
Theo GTSL Người&ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét