Sự đông máu
1. Khái niệm chung
Trong cơ thể có hơn 50 chất ảnh hưởng đến sự đông máu. Những chất thúc đẩy
đông máu được gọi là yếu tố đông máu, những chất ngăn cản đông máu được gọi là
chất chống đông.
Máu có đông hay không đông là phụ
thuộc vào sự cân bằng giữa các chất gây đông máu và các chất chống đông máu.
Bình thường máu trong cơ thể không đông là do chất chống đông máu chiếm ưu thế.
Khi mạch máu bị tổn thương, khi máu lấy ra ngoài cơ thể, các chất gây đông máu
được hoạt hóa và trở nên ưu thế, đông máu được thực hiện.
Ðông máu là một quá trình chuyển
máu ở thể lỏng (sol) sang thể đặc (gel), mà thực chất là chuyển fibrinogen ở dạng
hòa tan thành dạng không hòa tan.
2. Các yếu tố tham gia vào quá trình đông máu
Các yếu tố đông máu kinh điển được
ký hiệu theo thứ tự bằng chữ số La Mã như sau:
−
Yếu tố I: Fibrinogen
−
Yếu tố II: Prothrombin
−
Yếu tố III: Thromboplastin tổ chức
−
Yếu tố IV: Calcium
−
Yếu tố V: Proaccelerin
−
Yếu tố VII: Proconvertin
−
Yếu tố VIII: Yếu tố chống chảy
máu A
−
Yếu tố IX: Yếu tố chống chảy máu B còn gọi là yếu tố
Christmas
−
Yếu tố X: Yếu tố Stuart
−
Yếu tố XI: Tiền Thromboplastin huyết tương
−
Yếu tố XII: Yếu tố Hageman
−
Yếu tố XIII: Yếu tố ổn định
Fibrin
3. Các giai đoạn của quá trình đông máu
Quá trình đông máu là một chuỗi
các phản ứng xảy ra theo kiểu bậc thang được chia thành 3 giai đoạn:
1). Giai đoạn hình thành phức hợp
prothrombinase
Prothrombinase được hình thành bởi
2 con đường: ngoại sinh và nội sinh.
- Con đường ngoại sinh
Con đường này được khởi phát bởi
yếu tố III (thromboplastin tổ chức) được tiết ra từ bề mặt các tế bào tổ chức tổn
thương ngoài thành mạch.
Yếu tố III vào máu hoạt hoá yếu tố
VII. Rồi yếu tố VIIa (VII hoạt hoá) cùng thromboplastin tổ chức hoạt hoá tiếp yếu
tố X. Yếu tố Xa kết hợp với phospholipid
(từ tổ chức hoặc tiểu cầu) và yếu tố V cùng sự có mặt Ca++ tạo nên phức hợp prothrombinase.
- Con đường nội sinh
Con đường này được khởi phát khi
bản thân máu bị tổn thương hoặc máu tiếp xúc với lớp collagen (được lộ ra do tế
bào nội mạc tổn thương). Ðiều này dẫn đến sự hoạt hoá yếu tố XII và tiểu cầu
(giải phóng phospholipid tiểu cầu).
Yếu tố XIIa sẽ hoạt hoá yếu tố
XI, phản ứng này cần có kininogen và prekallikrein. Yếu tố XIa lại hoạt hoá yếu
tố IX. Yếu tố VIIa trong con đường ngoại
sinh cũng tham gia hoạt hoá yếu tố IX. Yếu tố IXa cùng với yếu tố VIIIa (yếu tố
VIII được hoạt hoá bởi thrombin), phospholipid tiểu cầu sẽ hoạt hoá yếu tố X. Yếu
tố Xa kết hợp với phospholipid (từ tổ chức hoặc tiểu cầu) và yếu tố V cùng sự
có mặt Ca++ tạo nên phức hợp prothrombinase.
Sự hình thành phức hợp
prothrombinase theo con đường nội sinh
chậm hơn rất nhiều (1-6 phút) so với cơ chế ngoại sinh (15 giây).
2). Giai đoạn hình thành phức hợp
thrombin
Sau khi prothrombinase được hình thành, nó
chuyển prothrombin thành thrombin chỉ sau vài giây. Giai đoạn này cũng đòi hỏi
sự có mặt của Ca++. Trong phức hợp prothrombonase, yếu tố Xa là một enzyme phân
giải protein thực sự, nó chuyển prothrombin thành thrombin. Một khi
thrombin được hình thành, nó sẽ hoạt hoá
yếu tố V và yếu tố VIII. Rồi yếu tố Va càng thúc đẩy tác dụng của yếu tố Xa tạo
nên sự điều hoà ngược dương tính (positive feedback).
Thrombin cũng là enzyme phân giải
protein, nó còn có thể tác động lên
chính prothrombin để tăng tạo thrombin. Ngoài ra nó còn thúc đẩy hoạt hoá các yếu
tố VIII, IX, X, XI, XII, và sự kết tập tiểu cầu. Như vậy, một khi thrombin được
hình thành, nó sẽ khởi phát sự điều hoà ngược dương tính làm nhiều thrombin được
tạo ra hơn nữa và quá trình đông máu tiếp tục phát triển cho đến khi có một cơ
chế ngăn chặn nó lại.
3). Giai đoạn hình thành fibrin
và cục máu đông
Thrombin cùng với Ca++ chuyển
fibrinogen thành phân tử fibrin đơn
phân. Các fibrin đơn phân này nối với nhau tạo thành các sợi fibrin để từ đó
hình thành mạng lưới của cục máu đông. Lúc đầu các cầu nối giữa các fibrin là cầu
nối hydro lỏng lẻo nên cục máu đông yếu, dễ tan rã. Sau vài phút, nhờ sự có mặt
của yếu tố ổn định fibrin (yếu tố XIII, được hoạt hoá bởi thrombin) các cầu nối
đồng hoá trị thay thế cầu nối hydro, đồng thời có thêm các dây nối chéo giữa
các sợi fibrin kế cận tạo nên mạng lưới fibrin bền vững. Mạng lưới này giam giữ
hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương tạo nên cục máu đông.
Ý nghĩa: Cục máu đông bít thành mạch
tổn thương ngăn cản mất máu.
- Co cục máu đông: Sau khi được hình thành 20-60 phút, cục máu
đông co lại và tiết ra một chất dịch gọi là huyết thanh. Như vậy, huyết thanh
khác huyết tương ở chỗ là mất đi các yếu
tố đông máu.
Tiểu cầu bị giam giữ trong cục
máu đông đóng vai trò quan trọng trong việc co cục máu này, nhờ vào các protein
co như thrombosthenin, actin và myosin. Tiểu cầu dính với các sợi fibrin nên
khi co lại chúng làm các sợi này càng nối chặt với nhau. Các tiểu cầu này còn
tiếp tục tiết yếu tố ổn định fibrin làm tăng cường các cầu nối giữa các sợi
fibrin kế cận. Ngoài ra, sự co này còn được thúc đẩy bởi thrombin và Ca++
được tiết ra từ các kho dự trữ trong tiểu cầu. Cuối cùng, cục máu đông trở
thành một khối nhỏ hơn và đặc hơn.
Ý nghĩa: Sự co cục máu đông đã
kéo các bờ của thương tổn mạch máu sát vào nhau nên càng làm vết thương được
bít kín hơn và ổn định được sự chảy máu.
- Tan cục máu đông - Sự hình
thành mô xơ
Một khi cục máu đông được hình
thành, nó diễn tiến theo 2 cách:
+ Các cục máu đông hình thành tại
vết thương nhỏ của thành mạch sẽ bị xâm lấn bởi các nguyên bào xơ, rồi hình
thành nên tổ chức liên kết giúp liền sẹo vết thương.
+ Các cục máu đông lớn hơn, chẳng
hạn cục máu đông được hình thành do máu chảy vào tổ chức xung quanh thành mạch
tổn thương, sẽ bị tan ra dưới tác dụng của hệ thống tan máu.
Hiện tượng tan cục máu đông diễn
ra như sau: khi cục máu đông được hình thành, plasminogen cũng bị giam giữ bên
trong nó. Dưới tác dụng của yếu tố hoạt hoá plasminogen tổ chức (t-PA),
plasminogen sẽ chuyển thành plasmin có tác dụng tiêu protein. Plasmin sẽ tiêu
huỷ các sợi fibrin cũng như một số yếu tố đông máu và làm cục máu đông tan ra.
t-PA được tổ chức tổn thương hoặc tế bào nội mạc tiết ra khoảng 1 ngày (hoặc muộn
hơn) sau khi cục máu đông được hình thành. Ngoài ra, thrombin và yếu tố XIIa
cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hoạt hoá plasminogen thành plasmin.
Ý nghĩa: Sự tan cục máu đông giúp
dọn sạch các cục máu đông trong tổ chức và tái thông mạch máu, tạo điều kiện liền
sẹo. Ðặc biệt nó cũng giúp lấy đi các huyết khối nhỏ trong mạch máu nhỏ để
tránh tắc nghẽn mạch (thrombosis).
THEo GT SLĐV&N
THEo GT SLĐV&N
DOWNLOAD:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét