Chuyển hoá gluxit
1. Chuyển hoá gluxit trong cơ thể (hình 6.1)
Trong cơ thể, nồng độ glucose
trong máu không đổi 0,1 - 0,12g%. Sau khi được hấp thu ở ruột, các
monosaccharide theo máu đến các tổ chức để được tổng hợp thành glycogen cần cho
sự xây dựng nguyên sinh chất. Kho dự trữ glycogen chủ yếu là gan và cơ, ở gan dự
trữ 82% glycogen của cơ thể.
- Gluxit
là nguồn năng lượng chủ yếu cơ thể dùng để sinh hoạt và sản xuất công. Một phần
lớn protid và lipid trước khi bị phân huỷ hoàn toàn thường biến thành gluxit
trong cơ. Ngoài ra sản phẩm phân huỷ của protid và lipid từ ống tiêu hoá sẽ đến
gan và biến thành glycogen. Trao đổi gluxit ảnh hưởng lớn đến trao đổi protid,
lipid và nước.
- Gluxit rất dễ bị phân huỷ, sự phân huỷ gluxit giữ cho nhiệt độ cơ thể
không đổi và là nguồn năng lượng chủ yếu của cơ.
- Gluxit cần cho sự hoạt động bình thường của hệ thần kinh. Nếu lượng đường
trong máu giảm thì nhiệt độ cơ thể sẽ hạ xuống, cơ sẽ yếu, hoạt động thần kinh
bị biến loạn (trường hợp bị choáng hạ đường huyết, đường huyết hạ ở mức 45mg% ).
- Trong các tổ chức, một phần nhỏ gluxit do máu đưa đến được dùng để
phóng thích năng lượng. Nguồn trao đổi gluxit ở tổ chức chủ yếu là glycogen.
Lúc cơ làm việc, cơ dùng dự trữ glycogen chứa ngay trong cơ. Chỉ khi nào dự trữ
ấy hết, mới bắt đầu dùng thẳng glucose do máu đưa đến (glucose được giải phóng
từ glycogen trong gan). Lúc thôi làm việc cơ lại tiếp tục tích trữ glycogen từ
glucose của máu, gan lại thu nhận monosaccharid từ ống tiêu hoá đưa lại, đồng
thời phân huỷ protid và lipid để xây dựng lại dự trữ glycogen của mình. Sự phân
huỷ glucose trong cơ thể có thể xảy ra mà không cần đến O2 (phân huỷ
thành a.lactic) hoặc có O2 thành CO2 và nước. Sự phân huỷ
gluxit không cần O2, có acid phosphoric tham gia rất quan trọng đối với hoạt động
của cơ. Nếu trong thức ăn thiếu gluxit thì cơ thể có thể chuyển hoá để tạo gluxit
từ protid và lipid.
2. Nhu cầu và ý nghĩa chuyển hoá của gluxit
Trong các loại thức ăn thì gluxit
là nguồn năng lượng dễ kiếm và rẻ tiền nhất, lại được hấp thu và tiêu hoá dễ
dàng, với một khối lượng lớn. Khi cơ thể không có đủ gluxit thì sự oxy hoá quá
nhiều mỡ để có năng lượng cho hoạt động sống sẽ làm sản sinh nhiều thể ceton
gây toan huyết. Khi không đủ gluxit, cơ thể phân huỷ nhiều prôtêin tổ chức,
sinh ra nhiều amoniac, độc đối với cơ thể. Một gam gluxit khi được oxy hoá cho
4,1 kcalo.
3. Tóm tắt vài điểm về chuyển hoá gluxit
- Giai đoạn I: Dị hoá polysaccharid thành
glucose.
- Giai đoạn II: Dị hoá glucose đến acid pyruvic
gọi là đường phân (yếm khí). Đường phân
bao gồm cả dị hoá glucose lẫn glycogen đến a. pyruvic.
Glucose được phosphoryl hoá (nhờ enzyme
hexokinase) thành G-6-P, glycogen được phân huỷ thành G-1-P rồi cũng thành
G-6-P. Từ G-6-P trở xuống, dị hoá glucose và glycogen y hệt nhau. * Nếu thiếu O2 thì a. pyruvic bị khử thành
acid lactic (C3H6O3).
* Nếu đủ O2 thì a.pyruvic sẽ tiếp tục
bị oxy hoá cho CO2 và H2O.
- Giai đoạn III là dị hoá oxy hoá a.pyruvic
thành CO2 và H2O (chu trình Krebs), đây là giai đoạn chuyển
hoá cuối cùng, chung cho cả lipid và protid. Dị hoá ái khí (có tham gia của
oxy), acid pyruvic cho rất nhiều năng lượng.
4. Điều hoà chuyển hoá gluxit
Nói đến điều hoà chuyển hoá gluxit, thường là
nói về sự điều hoà mức đường trong máu (đường huyết). Bình thường mức đường huyết
dao động từ 80 - 100mg %. Nếu mức đường huyết vượt quá 120mg % thì gọi là tăng
đường huyết, còn khi mức đường huyết thấp hơn 60mg % thì gọi là hạ đường huyết. Mức đường huyết được điều hoà do cơ chế thần
kinh thể dịch phức tạp. Hệ thần kinh thông qua hệ giao cảm tác dụng lên gan, tụy
và thượng thận mà điều hoà đường huyết.
Các kích tố của tuyến nội tiết tác dụng lên nhiều khâu của chuyển hoá gluxit. Hormon của vỏ tuyến thượng thận (glucocorticoid) cũng có tác dụng làm tăng đường huyết. Các glucocorticoid tác dụng theo hai cơ chế: giảm mức sử dụng glucose trong các mô và tăng quá trình sinh đường mới. Glucagon - một hormon của tuyến tụy nội tiết cũng có tác dụng làm tăng đường huyết giống như tác dụng của adrenalin. Các hormon khác như ACTH, STH, thyroxin cũng tham gia vào quá trình chuyển hoá gluxit làm tăng lượng đường trong máu.
Tác dụng ngược lại các hormon kể
trên là insulin - một hormon của tuyến tuỵ nội tiết. Tác dụng của insulin là
làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với
glucose, làm hoạt hoá hexokinase và còn là yếu tố cảm ứng tổng hợp glucose, do
đó đẩy nhanh quá trình phosphoryl hoá, tăng chuyển hoá glucose trong tế bào và
làm giảm đường huyết. Gan có vai trò rất cơ bản trong việc duy trì mức đường
huyết. Gan là nơi sinh glucose mới, tức là glucose hình thành từ các chất không
là gluxit (chủ yếu là từ prôtêin).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét