Cơ vân là phần chủ động của bộ máy đỡ - vận động
mà thành phần của nó bao gồm cơ vân, xương và gân. Kết quả hoạt động co của cơ
vân xảy ra dưới ảnh hưởng của các xung động đi từ hệ thần kinh trung ương có thể
dẫn tới sự di chuyển của cơ thể trong không gian, sự chuyển dời các bộ phận
trong cơ thể tương đối với nhau và duy trì tư thế. Ngoài ra, một trong những kết quả của sự co cơ là sản sinh ra nhiệt, bởi
vậy khi cơ làm việc giải phóng một lượng nhiệt rất lớn. Cơ vân ở người cũng như ở tất cả
động có xương sống có các đặc tính chủ yếu sau đây: tính hưng phấn, tính
dẫn truyền, tính co và tính đàn hồi.
Tính hưng phấn của cơ vân đó là khả năng đáp ứng
lại tác dụng của các kích thích bằng sự thay đổi tính thấm của màng đối với các
ion và điện thế màng. Trong điều kiện tự nhiên cơ hưng phấn dưới ảnh hưởng của
các xung động thần kinh được truyền theo các dây thần kinh vận động đến cơ. Cơ
hưng phấn khi kích thích trực tiếp hay gián tiếp lên cơ bằng các kích thích khác nhau như cơ học, nhiệt
học, hoá học, dòng điện v.v…
Tính dẫn truyền của cơ vân đó là
khả năng dẫn truyền điện thế hoạt động dọc theo toàn bộ sợi cơ. Tốc độ dẫn truyền
hưng phấn của cơ ếch 3-4 m/giây, còn ở cơ của động vật đồng nhiệt là 12-13
m/giây.
Tính co của cơ vân đó là khả năng
co hay thay đổi trương lực cơ khi hưng phấn.
Tính đàn hồi của cơ vân được thể hiện bằng khả
năng chống lại sự biến dạng khi co và giãn để duy trì trạng thái ban đầu. Dưới
tác dụng của một lực, cơ thay đổi hình dạng, ngừng tác dụng của lực, cơ trở về
trạng thái ban đầu. Tính đàn hồi của cơ vân có giới hạn, quá giới hạn đó cơ
không thể trở lại hình dáng ban đầu được nữa. Nếu cơ bị kéo dài quá 40% chiều
dài của nó thì các vạch Z bị phá huỷ, cơ mất tính đàn hồi và chết. Bình thường,
ở trạng thái nghỉ cơ luôn chịu sức kéo từ hai đầu bám của nó, nên cơ luôn ở trạng
thái trương lực nhất định. Trạng thái trương lực này còn được duy trì nhờ có cơ
chế điều hoà trương lực cơ từ phía hệ thần kinh trung ương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét