Mật độ của quần thể là
số lượng cá thể hay sinh khối, năng lượng của quần thể tính trên một đơn vị diện
tích hay thể tích mà quần thể đó sinh sống.
Ví dụ, mật độ của một
loài sâu hại lúa được dự báo là 8 con/m2, mật độ dân số ở Tây Nguyên là 52 người/km2,
mật độ tảo Skeletonema costatum là 96.000 tế bào/lít. Mật
độ được biểu diễn bằng số lượng cá thể chỉ ra khoảng cách trung bình giữa các
cá thể với nhau, khối lượng chỉ ra mức độ tập trung của chất sống; còn năng lượng
chỉ ra đặc tính nhiệt động học của quần thể.
Như vậy, tuỳ theo mục đích nghiên
cứu mà người ta sử dụng các đơn vị đo lường mật độ khác nhau.
Mật độ quần thể có ý
nghĩa sinh học rất quan trọng, như một tín hiệu sinh học, thông tin cho quần thể
về trạng thái số lượng của mình nhiều hay ít để tự điều chỉnh. Khi mật độ quá
cao, không gian sống trở nên chật hẹp, mức ô nhiễm tăng; nguồn thức ăn, nước uống
suy giảm, sự cạnh tranh trong nội bộ loài tăng. Những hiện tượng trên dẫn đến giảm mức sinh sản, nhưng mức tử vong
tăng, và do đó kích thước quần thể tự điều chỉnh theo hướng thu hẹp, phù hợp với
sức chịu đựng của môi trường. Nếu mật độ
của quần thể lại quá thấp sẽ xuất hiện một bức tranh hoàn toàn ngược lại.
Như vậy mỗi loài, mỗi
quần thể của loài trong những điều kiện sống
cụ thể của mình đều có một mật độ xác định - một chỉ số đóng vai trò quan trọng
trong cơ chế điều chỉnh số lượng của quần thể. Để xác định mật
độ của quần thể, người ta xây dựng nên nhiều phương pháp, phù hợp với những
đối tượng nghiên cứu khác nhau.
- Đối với vi sinh vật,
phương pháp xác định mật độ là đếm khuẩn lạc trong môi trường nuôi cấy từ một
thể tích xác định của dung dịch chứa chúng.
- Đối với thực vật nổi và động vật nổi (phytoplankton và zooplankton),
mật độ được xác định bằng cách đếm các cá thể của một thể tích nước xác định trong những phòng đếm đặc
biệt trên kính lúp, kính hiển vi...
- Đối với thực vật, động
vật đáy (loài ít di động) mật độ được xác định trong các ô tiêu chuẩn. Những ô
tiêu chuẩn này được phân bố trên những điểm và tuyến (hoặc lát cắt) chìa khoá
trong vùng nghiên cứu.
- Đối với cá sống trong
các thuỷ vực, nhất là trong các thuỷ vực nội địa, người ta sử dụng phương pháp
đánh dấu, thả ra, bắt lại và sử dụng các công thức sau để từ đó suy ra mật độ.
Đối với những nhóm động
vật lớn (như các loài chim, thú) ngoài việc quan sát trực tiếp (nếu có thể) còn
sử dụng những phương pháp gián tiếp như đếm số tổ chim (những chim định cư, biết
làm tổ), dấu chân (của thú) trên đường đi kiếm ăn, số con bị mắc bẫy trong một
ngày đêm... Để có được số liệu đáng tin
cậy thì những quan sát, những nghiên cứu cần được tiến hành liên tục hoặc theo
những chu kỳ xác định được lập đi lập lại nhiều lần và bằng sự phối hợp nhiều
phương pháp trên một đối tượng cũng như ứng dụng các phương tiện kỹ thuật hiện
đại (ghi âm, ghi hình, đeo các phương tiện phát tín hiệu...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét