Một em bé mới sinh có thể kêu khóc khi nhìn thấy chiếc thìa con mà người
ta dùng để cho nó uống thuốc đắng trong những lần trước và cũng có khả năng nhận
biết được người mẹ của mình. Ở động vật cũng vậy, chúng ta có thể nhận thấy khả
năng nhận biết được tiếng nói của người chủ với tiếng nói của người lạ ở chó
nuôi, sự mừng rỡ của nó khi chủ về. Người ta gọi những khả năng như vậy là hoạt
động thần kinh cấp cao của người và động vật.
Hoạt động thần kinh cấp cao là hoạt động của hệ
thần kinh trung ương nhằm điều hoà, phối hợp các chức năng của các cơ quan
trong cơ thể, đồng thời bảo đảm cho cơ thể thích ứng được với những điều kiện của
môi trường sống luôn luôn biến động hay bảo đảm được mối quan hệ phức tạp giữa
cơ thể với thế giới bên ngoài.
Bên cạnh đó, hệ thần kinh trung ương còn có chức
năng điều hoà và phối hợp chức năng của tất cả các cơ quan trong cơ thể thành một
khối thống nhất. Hoạt động đó của hệ thần kinh trung ương được gọi là hoạt động
thần kinh cấp thấp.
Về hoạt động thần kinh cấp cao và cấp thấp,
I.P.Pavlov - người phát minh học thuyết phản xạ có điều kiện hay học thuyết hoạt
động thần kinh cấp cao viết “... các hoạt động của bán cầu đại não cùng với phần
dưới vỏ não bảo đảm cho quan hệ phức tạp và bình thường của toàn bộ cơ thể đối
với thế giới bên ngoài có thể thay cho khái niệm “tinh thần” gọi là hoạt động
thần kinh cấp cao hay tập tính của con vật. Đối lập với vỏ não, hoạt động của
các phần não bộ khác và của tuỷ sống, chủ yếu điều hoà mối quan hệ và tập hợp
các phần của cơ thể với nhau được gọi là hoạt động thần kinh cấp thấp”.
Hoạt động thần kinh cấp cao được thực hiện dựa
trên cơ sở các phản xạ có điều kiện, còn hoạt động thần kinh cấp thấp được thực
hiện trên cơ sở các phản xạ không điều kiện. Hai hệ hoạt động này gắn bó và tác
dụng lẫn nhau rất chặt chẽ.
Theo GTSL Người&ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét