
Theo nguyên tắc ưu thế Ukhtomski thì trung khu hưng phấn mạnh hơn có khả
năng lôi cuốn hưng phấn từ trung khu hưng phấn yếu hơn về phía nó. Sự dẫn truyền
hưng phấn từ trung khu có điều kiện đến trung khu không điều kiện đã tạo ra con
đường thần kinh tạm thời giữa hai trung khu này.
Cơ chế sinh lý của quá trình hình thành đường
liên hệ tạm thời giống như cơ chế sinh lý của sự hình thành phản ứng ưu thế như
Ukhtomski đã phát hiện. Điều này đã được chứng minh bằng các công trình nghiên
cứu về điện sinh lý. Trong các thí nghiệm trên thỏ các nhà nghiên cứu đã gây ra
trong vỏ não tại vùng vận động đại diện của chân trước một nguồn hưng phấn mạnh
và bền vững bằng tác động của dòng điện một chiều yếu trực tiếp vào vùng
này, đồng thời tiến hành ghi điện não và phản ứng vận
động của chân trước. Kết quả cho thấy hưng phấn trong vùng vỏ não vận động
tăng dần lên. Khi đạt đến một mức nhất định, trung khu hưng phấn mạnh và bền vững
này trở thành trung khu ưu thế và có khả năng lôi kéo về phía mình các nguồn
hưng phấn khác sinh ra ở các vùng khác trong vỏ não. Lúc này, nếu cho một tín
hiệu nào đó tác dụng, ví dụ, tín hiệu âm thanh, sẽ ghi được những biến đổi điện
thế trong vùng vận động đại diện của chân trước và chân trước của con vật co lại.
Điều này chứng tỏ rằng hưng phấn do kích thích âm thanh gây ra đã truyền đến cứ
điểm hưng phấn ưu thế và tăng thêm hưng phấn ở cứ điểm này. Kết quả là làm biến
đổi điện thế tại cứ điểm ưu thế và gây ra phản ứng vận động chân trước. Những cứ
điểm ưu thế được tạo ra trong quá trình hình thành đường liên hệ thần kinh tạm
thời duy trì không lâu. Cơ chế ưu thế chỉ có vai trò trong giai đợn “mở đường”,
tạo điều kiện cho các xung động thần kinh chạy qua các xinap trước đây chưa hoạt
động.
Như vậy, cơ chế “mở đường” là cơ chế diễn ra tại các xinap. Còn quá trình
duy trì, củng cố đường liên hệ thần kinh tạm thời, nghĩa là “ổn định” con đường
xuyên qua các xinap vừa được hình thành, có lẽ được thực hiện theo một cơ chế
khác, giống như cơ chế chuyển trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn.
Theo ý kiến của nhiều tác giả thì việc duy trì đường liên hệ thần kinh tạm
thời là do sự xuất hiện những luồng xung động luân lưu liên tục theo các vòng tế
bào thần kinh trong vỏ não. Các vòng tế bào thần kinh như vậy có thể là các
vòng nối liền các tế bào tháp với các tế bào trung gian bằng các sợi quặt ngược
của tế bào tháp và các sợi trục của các tế bào trung gian.
Như vậy, cơ chế hình thành đường liên hệ thần
kinh tạm thời có thể xem như kết quả của sự tác động qua lại giữa hai trung khu
hưng phấn (có điều kiện và không điều kiện) trong vỏ não theo cơ chế ưu thế. Kết
quả của sự tác dụng qua lại đó là mở ra con đường nối liền hai trung khu có điều
kiện và không có điều kiện với nhau. Trong đó quá trình củng cố con đường này
có liên quan với những biến đổi chức năng cũng như cấu trúc tại các xinap và cả
trong thân các tế bào thần kinh tham gia vào quá trình hình thành phản xạ có điều
kiện.
Nhiều công trình nghiên cứu từ 1936 đến nay (tức
sau khi I.P.Pavlov từ trần) về cơ chế hình thành phản xạ có điều kiện theo các
hướng khác nhau cho thấy trong quá trình hình thành phản xạ có điều kiện có những
biến đổi về điện sinh lý, hoá học, cấu trúc - hình thái của các tế bào thần
kinh và các xinap trong các cấu trúc khác nhau của não bộ. Các nghiên cứu về điện sinh lý ở mức tế bào
phát hiện được sự quy tụ các luồng hưng phấn hướng tâm thuộc các loại cảm giác
khác nhau trong các tế bào thần kinh và có thể ghi được các phản ứng điện thế tế
bào thần kinh kiểu phản xạ có điều kiện. Số tế bào thần kinh có đặc điểm trên
chiếm từ 40 đến 60% tổng số tế bào được nghiên cứu, đặc biệt có nhiều ở các tế
bào thần kinh thuộc vùng vỏ não vận động. Từ kết quả nghiên cứu này có thể nhận
định rằng đường liên hệ thần kinh được hình thành do sự gặp gỡ và tác động qua
lại giữa các luồng hưng phấn có điều kiện và không điều kiện trong các tế bào
thần kinh ở vỏ não và các cấu trúc dưới vỏ.
Các nghiên cứu tế bào học đã phát hiện thấy sự
tăng số lượng các gai trên các nhánh của tế bào tháp, tăng số lượng các túi
xinap và số lượng các xinap hoạt động trong não của những động vật có các phản
xạ có điều kiện được thành lập. Điều này chứng tỏ có sự biến đổi cấu trúc và chức
năng tại các xinap trong quá trình hình thành phản xạ có điều kiện, đồng thời
chứng minh cho nhận định về sự mở đường qua xinap, về vai trò quan trọng của
các xinap trong quá trình hình thành các phản xạ có điều kiện.
Các nghiên cứu về hoá sinh não bộ cho thấy
trong quá trình hình thành phản xạ có điều kiện xuất hiện các protein mới trong
các cấu trúc thần kinh, đặc biệt là ở vỏ não. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu
về hoá sinh não bộ và giả thuyết về cơ sở hoá học của trí nhớ P.K.Anokhin cho rằng
những biến đổi diễn ra trong tế bào thần kinh dưới tác động của các luồng hưng
phấn có điều kiện và không điều kiện, đã làm biến đổi mã của ARN và tổng hợp
các protein mới. Các protein mới này duy trì đường lên hệ giữa hai luồng hưng
phấn nói trên. Như vậy, các protein được tổng hợp trong quá trình hình thành các
phản xạ là chất giữ trí nhớ hay cơ chất của phản xạ có điều kiện.
Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục
nghiên cứu để hiểu đầy đủ hơn về cơ chế hình thành các phản xạ có điều kiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét