1.
Tế bào chất (cytoplasma)
Tế bào chất là khối nguyên sinh chất
(protoplasma) nằm trong màng tế bào và bao quanh lấy nhân. Tế bào chất của một
số tế bào có sự phân hóa thành 2 lớp:
- Lớp ngoại chất (exoplasma) ở ngoại
vi, mỏng hơn và có độ nhớt cao hơn.
- Lớp nội chất (endoplasma) ở bên trong
và bao quanh lấy nhân, chứa các bào quan như: mạng lưới nội sinh chất, phức hệ
Golgi, ribosome, ty thể, lạp thể, thể lido...
Nếu loại bỏ các bào quan thì còn lại
khối tế bào chất không có cấu trúc - gọi là chất nền hay thể trong suốt
(cytosol).
Thể trong suốt chiếm gần một nửa khối
lượng của tế bào. Thể trong suốt có nhiều nước, có thể đến 85%. Sau nước, protein là thành phần chủ
yếu. Thể trong suốt chứa đựng một số lượng protein sợi xếp lại thành bộ khung
của tế bào. Trong thể trong suốt có hàng nghìn enzyme và chứa đầy ribosome
để tổng hợp protein. Gần một nửa enzyme được tổng hợp nên trên các
ribosome là các protein của thể trong suốt. Do đó, nên xem thể trong suốt là
một khối gel có tổ chức cao hơn là một dung dịch chứa enzyme.
Ngoài protein ra, trong thể trong suốt
còn có các loại ARN như mARN, tARN chiếm 10% ARN của tế bào. Trong thể trong
suốt còn có các chất như: lipid, gluxit, acid amin, nucleoside, nucleotide và
các ion. Thỉnh thoảng có các hạt dầu và hạt glycogen với số lượng thay đổi và
có thể mang từ vùng này qua vùng khác tùy hoạt tính của tế bào.
Thể trong suốt giữ nhiều chức năng quan
trọng như:
-
Là nơi thực hiện các phản ứng trao đổi chất của tế bào, là nơi gặp nhau
của chuỗi phản ứng trao đổi chất. Sự biến đổi trạng thái vật lý của thể trong
suốt có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào.
-
Nơi thực hiện một số quá trình điều hòa hoạt động của các chất.
-
Nơi chứa các vật liệu dùng cho các phản ứng tổng hợp các đại phân tử
sinh học như các gluxit, lipid, glycogen.
Mọi hoạt động sống của tế bào đều xảy
ra trong tế bào chất và do các bào quan riêng biệt phụ trách và được phối hợp
điều hòa một cách nhịp nhàng.
2.
Mạng lưới nội sinh chất (endoplasma reticulum)
Mạng lưới nội sinh chất được phát hiện
bằng kính hiển vi điện tử. Mạng lưới nội sinh chất có ở mọi loại tế bào động
vật và thực vật, gần đây, người ta cho rằng những cấu trúc tương tự như mạng
lưới nội sinh chất được nhận thấy cả ở vi khuẩn.
b. Cấu tạo hình thái
Mạng lưới nội sinh chất chỉ được mô tả sau khi
có kính hiển vi điện tử. Nó là một hệ thống các túi nhỏ, hoặc túi dẹt song song
và nối thông nhau hình thành một mạng lưới 3 chiều. Mỗi ống hoặc túi đều được
bọc bởi một cái màng lipoproteide có độ dày khoảng 75Å (tương tự màng tế bào).
Về phía ngoài mạng lưới nội sinh chất thông với môi trường ngoài, và về phía
trong nó thông với khoảng quanh nhân. Lòng mạng lưới nội sinh chất thường hẹp
có đường kính từ 250Å - 500Å.
Mặt ngoài có thể có ribosome bám vào,
hoặc có thể nhẵn không có ribosome bám. Vì vậy, người ta phân biệt 2 loại: mạng
lưới nội sinh chất có hạt và mạng lưới nội sinh chất không hạt hay mạng lưới
nội sinh chất nhẵn (hình 6.1).
Mức độ phát triển của mạng lưới nội
sinh chất tùy thuộc vào từng loại tế bào và giai đoạn hoạt động của tế bào. Ở
tế bào có hoạt động chế tiết mạnh thì mạng lưới nội sinh chất phát triển.
b. Thành phần hóa học
Mạng lưới nội sinh chất chứa:
- Phospholipid (35% trọng lượng khô)
- Protein (60% trọng lượng khô).
Protein ở mạng lưới nội sinh chất bao gồm cả các enzyme, ví dụ như phosphatase.
c. Chức năng
Mạng lưới nội sinh chất có các chức
năng sau:
- Tập trung và cô đặc một số chất từ
ngoài tế bào vào hay ở trong tế bào. Những protein do ribosome bám ở ngoài màng
tổng hợp được đưa vào lòng ống.
- Tham gia tổng hợp các chất: mạng lưới
nội sinh chất có hạt tổng hợp protein, còn gluxit và lipid do mạng lưới nội
sinh chất không hạt tổng hợp. - Vận chuyển và phân phối các chất. Những giọt
lipid trong lòng ruột lọt vào trong tế bào biểu mô ruột (bằng cơ chế ẩm bào)
được chuyền qua mạng lưới nội sinh chất để đưa vào khoảng gian bào.
- Màng của mạng lưới nội sinh chất cũng
góp phần quan trọng vào sự hình thành các màng của ty thể và peroxysome bằng
cách tạo ra phần lớn các lipid của các bào quan này.
Tham khảo:
1. Phạm Phan Địch, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ
Kính (1984), Tế bào học, Mô học, Phôi
sinh học, Nxb Y học, Hà Nội.
2. Nguyễn Như Hiền, Trịnh Xuân Hậu
(2000), Tế bào học, Nxb Đại học quốc gia
Hà Nội.
3. Phạm Thành Hổ (2002), Sinh học đại
cương - Tế bào học, Di truyền học, Học
thuyết tiến hoá, Nxb Đại học quốc gia
Tp. Hồ Chí Minh.
DOWNLOAD:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét